Bệnh động mạch vành

1) Bệnh động mạch vành là gì?
Bệnh động mạch vành là bệnh của động mạch nuôi dưỡng tim, nguyên nhân do các mảng xơ vữa gây hẹp hoặc tắc lòng mạch, làm giảm lưu lượng máu và oxy đến cơ tim, dẫn đến cơ tim bị tổn thương, gây ra triệu chứng là các cơn đau thắt ngực. Nếu tình trạng thiếu máu kéo dài không được cải thiện, sẽ dẫn đến cơ tim bị hoại tử, gây ra tổn thương vĩnh viễn ở tim, có thể dẫn đến tử vong.

2) Triệu chứng:
Thường gặp nhất và điển hình là các cơn đau thắt ngực.

  • Vị trí đau: thường đau ở ngực trái, đau sau xương ức, hay vùng giữa ngực, đôi khi đau ở vùng bụng trên khiến cho bạn dễ nhầm lẫn với bệnh lý dạ dày.
  • Tính chất đau: Đau bóp, nghẹt, như có vật nặng đè lên ngực. Cơn đau xuất hiện hoặc tăng lên khi gắng sức, giảm hơn khi nghỉ hoặc dùng thuốc giãn mạch vành. Đau có thể lan lên cổ, xương hàm, vai trái hay tay trái.
  • Thời gian đau: Tùy thuộc từng bệnh nhân, cơn đau có thể kéo dài 5-10 phút, 15 phút hoặc thậm chí hàng giờ không thuyên giảm.
  • Các triệu chứng khác kèm theo: Vã mồ hôi, khó thở, buồn nôn, ói…

3) Người nào có nguy cơ cao mắc bệnh động mạch vành:

  • Người hút thuốc, ít hoạt động thể chất, thừa cân, béo phì.
  • Người có các bệnh lý: đái tháo đường, tăng huyết áp, bệnh thận mạn, mỡ máu cao.
  • Tiền sử gia đình mắc bệnh lý tim mạch.
  • Những người có các yếu tố nguy cơ bên trên cần khám và kiểm tra định kỳ để điều trị và quản lý bệnh tốt nhất giúp hạn chế mắc bệnh, làm chậm tiến triển của bệnh và ngăn ngừa biến chứng nguy hiểm của bệnh mạch vành.

4) Các giải pháp để hạn chế mắc bệnh:

  • Bỏ các thói quen không tốt: hút thuốc lá, thuốc lào, uống rượu bia nhiều…
  • Thực hiện chế độ ăn lành mạnh, hạn chế đồ mỡ, tinh bột, ăn nhiều rau xanh.
  • Tập thể dục: thường xuyên và phù hợp với sức khỏe của bạn. Nếu cần, có thể tư vấn bác sĩ để đánh giá và có bài tập phù hợp cho từng trường hợp cụ thể.
  • Kiểm soát cân nặng: tránh thừa cân, quá béo, duy trì BMI <25.
  • Theo dõi, kiểm tra định kỳ, điều trị và kiểm soát các bệnh nền theo hướng dẫn.

5) Các phương pháp điều trị bệnh mạch vành:

  • Khám lâm sàng.
  • Các xét nghiệm: Điện tâm đồ, siêu âm tim, điện tâm đồ gắng sức, xét nghiệm máu…
  • Chụp cắt lớp vi tính động mạch vành đa lát cắt (64, 320, 512 dãy), chụp xạ hình tưới máu cơ tim, chụp mạch vành qua da. Từ đó giúp đánh giá đầy đủ vị trí và mức độ tắc/hẹp của các động mạch vành, tình trạng sống của vùng cơ tim và đưa ra chỉ định điều trị đúng đắn.

6) Các phương pháp điều trị bệnh mạch vành:

  • Điều trị bằng thuốc: Dùng thuốc theo hướng dẫn và chỉ định của bác sĩ, khám lại theo đúng hẹn, tuân thủ đúng điều trị, thay đổi hành vi và lối sống, không tự ý bỏ thuốc. Đây là những biện pháp đặc biệt quan trọng để có được kết quả tốt và lâu dài.
  • Điều trị tái thông lại dòng máu: Phục hồi dòng chảy trong động mạch vành bị hẹp để tăng lượng máu đến vùng cơ tim bị thiếu máu, góp phần tăng hiệu quả điều trị.
  • Can thiệp mạch vành qua da (đặt stent): Nông và đặt khung giá đỡ trong lòng mạch, làm thông vị trí bị hẹp tắc.
  • Phẫu thuật bắc cầu chủ vành: Dùng một đoạn mạch máu, nối từ trước chỗ hẹp đến mạch vành phía sau chỗ hẹp.
  • Điều trị hỗ trợ bằng sóng xung kích (Shockwave): Đây là phương pháp mới, sử dụng sóng xung kích bắn vào vùng cơ tim thiếu máu, gây dãn mạch, nhằm giảm đau thắt ngực và tăng sự cung cấp máu cho vùng cơ tim thiếu máu.

7) Biến chứng của bệnh động mạch vành:

  • Nhồi máu cơ tim.
  • Suy tim.
  • Rối loạn nhịp, đột tử.

8) Khi mắc bệnh động mạch vành, người bệnh cần làm:

  • Tuân thủ điều trị theo hướng dẫn của bác sĩ, tránh tự ý điều trị.
  • Tái khám theo hẹn.
  • Khi bất thường cần tái khám ngay.
  • Điều trị các bệnh kết hợp, duy trì chế độ ăn, sinh hoạt, tập luyện theo hướng dẫn của bác sĩ.

Người viết
BS.CKII. Lại Quang Giao