Giải độc và cải thiện chức năng phổi tại nhà

Tiếp xúc với không khí ô nhiễm, lối sống và dinh dưỡng không lành mạnh khiến phổi có thể bị nhiễm độc, tổn thương dẫn đến suy yếu. Khi đó con người dễ mắc các bệnh lý hô hấp như viêm phổi, viêm phế quản, lao phổi, hen suyễn, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính… với biểu hiện ho, sốt, khạc đờm, khó thở, đau ngực.

Theo thạc sĩ, bác sĩ Đặng Thành Đô, khoa Hô hấp BVĐK Tâm Anh Hà Nội, ngay cả khi bị tổn thương, phổi vẫn có khả năng tự làm sạch, chữa lành tốt nếu không còn tiếp xúc với các chất gây hại. Chẳng hạn khi mắc bệnh hô hấp cấp tính, hầu hết trường hợp phổi sẽ hồi phục hoàn toàn sau vài tuần. Với những tổn thương mạn tính do hút thuốc lá lâu năm, tiếp xúc với amiăng hoặc chất kích thích phổi khác, thời gian phục hồi phổi có thể tính bằng năm, cần điều trị theo phác đồ tại cơ sở chuyên khoa hô hấp.

Bác sĩ Đô cho biết có một số cách đơn giản giúp làm sạch, giải độc phổi mà tất cả mọi người nên thực hiện càng sớm càng tốt, bất kể có bệnh lý hô hấp hay không.

Bỏ hút thuốc

Hút thuốc gây tàn phá phổi nhanh và cũng khiến phổi khó phục hồi nhất. Tuy nhiên bỏ hút thuốc sớm, cơ hội chữa lành phổi cao. Nghiên cứu cho thấy sau khi bỏ hút thuốc trong vòng 2- 12 tuần, hệ tuần hoàn sẽ được cải thiện, chức năng phổi tốt lên trong vòng 1- 9 tháng, triệu chứng ho và khó thở giảm. 20 năm sau khi dừng hút thuốc, nguy cơ mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính giảm xuống tương đương như khi chưa bao giờ hút thuốc. Tiếp tục dừng hút thêm 10 năm, nguy cơ mắc ung thư phổi giảm xuống bằng với người chưa từng hút thuốc.

Theo bác sĩ Đô, việc bỏ hút thuốc nên bao gồm cả thuốc lá điện tử. Nhiều nghiên cứu ngắn hạn cho thấy thuốc lá điện tử khiến phổi khó đào thải chất nhầy ra ngoài, dễ gây nhiễm trùng. Song song với bỏ thuốc, cần tránh hít khói thuốc thụ động. Sự kết hợp giữa khói tỏa ra từ cuối điếu thuốc, khói từ miệng người hút tạo ra hàng trăm chất độc hại, gây hàng loạt vấn đề sức khỏe nghiêm trọng từ ung thư phổi đến đột quỵ.

Tăng cường thực phẩm màu xanh

Nghiên cứu cho thấy chế độ ăn nhiều trái cây, rau quả, đặc biệt là rau lá xanh giúp bảo vệ phổi khỏi tổn thương do ô nhiễm không khí, khói thuốc lá. Ngoài ra, uống trà xanh 2 lần mỗi ngày được chứng minh giảm nguy cơ mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, giảm viêm nhờ chứa hàm lượng chất chống oxy hóa cao.

Các thực phẩm tốt cho phổi khác bao gồm: rau họ cải, cà rốt, thực phẩm chứa folate (măng tây, củ cải, đậu xanh…), thực phẩm chứa vitamin C (cam, chanh, bưởi).

Xông hơi

Những người có bệnh về phổi thường thấy triệu chứng nặng lên rõ rệt trong mùa thu đông. Nguyên nhân là không khí lạnh khô khiến lớp nhầy trên đường thở bay hơi nhanh, dễ gây kích ứng. Ngược lại, không khí ấm, ẩm ít gây kích ứng hơn.

Xông hơi là biện pháp đơn giản, nhanh nhất để tăng độ ấm, ẩm cho không khí, làm lỏng chất nhầy trong đường thở và phổi. Hít không khí ấm nhiều hơi nước giúp giảm cảm giác đau ngay lập tức, thở dễ dàng hơn. Bác sĩ Đô khuyến khích trong thời tiết lạnh khô của miền Bắc, gia đình nên đặt máy xông hơi hoặc máy tạo độ ẩm để làm ẩm không khí, giữ cho độ ẩm dao động từ 40-60% là tốt nhất.

Tập ho chủ động

Các cơn ho theo phản xạ thường gây mệt, khó thở, luồng khí không đủ lực để đẩy đờm ra ngoài. Ho chủ động giúp làm long chất nhầy trong phổi, đưa nó lên đường hô hấp, tống ra ngoài, nhờ đó làm sạch phổi và thông thoáng đường thở. Những người mắc bệnh phổi mạn tính như hen suyễn, giãn phế quản, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính… được khuyến khích tập ho chủ động để tống xuất đờm nhầy, giúp dễ thở hơn.

Cách thực hiện như sau: người bệnh ngồi trên ghế thoải mái, hít thở chậm, sâu, nín thở trong vài giây sau đó ho mạnh hai lần. Lần đầu để long đờm, lần hai để tống đờm ra ngoài. Khạc đờm vào khăn giấy, sau đó hít vào chậm qua mũi, thở ra từ từ qua miệng (môi chúm lại như huýt sáo) và lặp lại động tác ho.

Làm sạch không khí trong nhà

Làm sạch phổi luôn song hành với việc làm sạch không khí. Những ngày chỉ số chất lượng không khí tốt, các gia đình nên tranh thủ mở cửa để lưu thông, làm mới không khí trong nhà. Gia đình có thể cân nhắc lắp đặt thêm máy lọc không khí cho cả căn nhà hoặc cho từng phòng nhỏ.

“Không khí trong lành, sạch, không hóa chất là thứ duy nhất an toàn cho lá phổi”, bác sĩ Đô nhấn mạnh. Do đó bác sĩ khuyên các gia đình nên hạn chế sử dụng mùi hương nhân tạo như nến thơm, xịt thơm phòng, các chất tẩy rửa… vì có thể gây kích ứng cho phổi. Thay vào đó, có thể tạo hương thơm tự nhiên cho căn phòng bằng cách các loại cây như nha đam, lưỡi hổ, trầu bà; đặt hỗn hợp vỏ chanh, muối trong phòng để hấp thụ mùi hôi, tạo hương thơm dễ chịu.