Rối loạn chuyển hóa lipid máu, hay còn gọi là rối loạn mỡ máu, là một yếu tố nguy cơ gây ra nhiều bệnh ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe như xơ vữa động mạch, đột quỵ và nhồi máu cơ tim. Có nhiều nguyên nhân gây ra rối loạn mỡ máu như chế độ ăn hàng ngày, lối sống, chế độ tập luyện, và yếu tố di truyền. Trong số đó, chế độ ăn uống hàng ngày đóng vai trò quan trọng nhất.
1) Rối loạn mỡ máu là gì?
Rối loạn lipid máu xảy ra khi có sự mất cân bằng trong các thành phần lipid riêng lẻ hoặc đồng thời trong cơ thể (bao gồm sự tăng cholesterol máu, tăng LDL-C, tăng triglyceride và giảm HDL-C). Rối loạn chuyển hóa lipid máu là một yếu tố nguy cơ gây ra nhiều bệnh ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe như xơ vữa động mạch, cơn đau thắt ngực, nhồi máu cơ tim và đột quỵ não.
2) Nguyên nhân của rối loạn lipid máu:
Có nhiều nguyên nhân phổ biến gây ra rối loạn mỡ máu, bao gồm:
– Chế độ ăn uống: Tiêu thụ quá nhiều chất béo bão hòa, hay còn gọi là “chất béo xấu”.
– Béo phì: Cơ thể tích trữ quá nhiều năng lượng dư thừa.
– Lối sống: Thiếu vận động, hút thuốc lá, uống nhiều rượu bia.
– Yếu tố di truyền: Rối loạn chuyển hóa lipid máu có tính chất gia đình.
3) Cách lựa chọn chế độ ăn cho người mắc rối loạn mỡ máu mãn tính:
Dưới đây là một số lời khuyên về lựa chọn thực phẩm cho những bệnh nhân mắc rối loạn lipid máu có thể tham khảo:
– Giảm lượng chất béo (lipid) trong chế độ ăn: Đây là nguyên tắc quan trọng nhất.
– Tránh hoặc giảm chất béo bão hòa, hay “chất béo xấu”, như thịt mỡ, động vật, trứng, sữa, phủ tạng động vật, các loại phomat và kem.
– Ưu tiên ăn chất béo chưa bão hòa, hay “chất béo tốt”, như cá trích, cá ngừ, cá thu, cá hồi, cá trắm và cá chép.
– Bổ sung các loại cây họ đậu giàu omega, như đậu đen, đậu xanh, đậu đỏ, đậu nành, và các loại dầu thực vật như dầu mè, dầu vừng và dầu hướng dương.
– Tăng cường chất xơ từ rau, củ và trái cây.
– Bổ sung thực phẩm giàu vitamin và khoáng chất chống oxy hóa như vitamin A, C, E và kẽm.
– Uống đủ nước, khoảng 2 lít nước mỗi ngày cho người có cân nặng 50kg.
– Hạn chế tiêu thụ bia, rượu, thuốc lá và nước ngọt.
– Chế biến thực phẩm bằng các phương pháp như hấp, luộc, giảm việc ăn thực phẩm chiên rán nhiều dầu mỡ, và tránh ăn thức ăn nhanh.
Người viết: BS.CK II Lại Quang Giao – Phòng khám Đa khoa Quốc tế LeanCare