Theo dự báo của Tổ chức Y tế thế giới đến năm 2030, toàn cầu sẽ thiếu khoảng 18 triệu nhân viên y tế. Vì thế việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong chẩn đoán hình ảnh không chỉ cho kết quả chính xác cùng các phân tích dữ liệu nhanh nhạy mà còn giúp bác sĩ giảm tải…
Những thông tin trên được các chuyên gia hàng đầu về chẩn đoán hình ảnh chia sẻ tại hội nghị thường niên lần thứ 25 của Hội Điện quang và Y học hạt nhân, diễn ra từ ngày 23-24/8 tại Đà Nẵng.
Hội nghị thu hút hàng nghìn chuyên gia về lĩnh vực này, trong đó có nhiều chuyên gia đến từ các nước có nền y tế phát triển với 56 bài giảng, 148 bài báo cáo tiêu biểu, trong đó những công nghệ, giải pháp hiện đại và toàn diện trong ung bướu, tim mạch, thần kinh… tích hợp trí tuệ nhân tạo (AI).
Sau phiên khai mạc, hội nghị đã có các phiên hội thảo riêng về ứng dụng AI trong y tế, trong đó đặc biệt giới thiệu nhiều tiến bộ nổi trội trong chẩn đoán hình ảnh như máy siêu âm tổng quát, máy cộng hưởng từ thế hệ mới nhất. Điều này giúp tối ưu hóa quy trình làm việc cho bác sĩ và mang lại giá trị đột phá trong chẩn đoán, điều trị cho bệnh nhân.
AI được ứng dụng ngày càng nhiều hơn trong y tế
Theo GS.TS Phạm Minh Thông, Chủ tịch Hội Điện quang và Y học hạt nhân Việt Nam, trong y tế, chẩn đoán hình ảnh là lĩnh vực hàng đầu ứng dụng AI.
“Tương tự với bác sĩ, việc ứng dụng phần mềm AI giúp việc chẩn đoán nhanh hơn, kết quả chính xác hơn. Trong tương lai gần, AI sẽ đi vào ứng dụng nhiều trong chẩn đoán hình ảnh, giúp giảm tải cho y bác sĩ vì lượng bệnh nhân rất nhiều, nếu không có AI việc đọc kết quả của bác sĩ sẽ rất mất thời gian”- GS.TS Phạm Minh Thông cho biết và nhấn mạnh thêm: AI là một công cụ hữu ích hỗ trợ các bác sĩ trong lĩnh vực chẩn đoán, có thể giúp phát hiện các tổn thương rất nhỏ.
Chia sẻ thêm, GS.TS Mai Trọng Khoa, Nguyên Phó Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai cho biết, hiện nay trí tuệ nhân tạo hay AI được ứng dụng trong nhiều chuyên ngành khác nhau, trong đó có lĩnh vực chẩn đoán hình ảnh, y học hạt nhân, giải phẫu bệnh, ung thư… .
Tại Việt Nam, ứng dụng AI là một lĩnh vực mới, hiện có vai trò nhiều chẩn đoán nhiều bệnh lý khác nhau, từ đó giúp cho việc đưa ra các quyết định điều trị được chính xác, kịp thời, hiệu quả.
“Đây là công cụ hữu hiệu, quan trọng nhằm hỗ trợ các bác sĩ, cán bộ y tế, chẳng hạn giúp cho việc đọc các kết quả trong lĩnh vực chẩn đoán hình ảnh (siêu âm, X-quang, CT, MRI…), y học hạt nhân (SPECT/CT, PET/CT…), giải phẫu bệnh…
AI thường hỗ trợ việc đọc kết quả được nhanh hơn, chính xác hơn, thuận lợi hơn, đặc biệt giúp cho bác sĩ thuận lợi trong nhận định, đánh giá kết quả, đặc biệt cán bộ y tế vùng sâu vùng xa”- GS.TS Mai Trọng Khoa nói.
Cũng chia sẻ về vấn đề này, các chuyên gia cho biết thêm tại Việt Nam, mỗi ngày có hàng triệu bản in kết quả chẩn đoán hình ảnh. Khi được ứng dụng, AI với khả năng đọc, phân tích dữ liệu sẽ giúp các bác sĩ có được kết quả chọn lọc nhất, thay vì phải xử lý khối lượng lớn các hình ảnh của từng ca bệnh.
Nhờ AI giúp bác sĩ ‘nhàn’ hơn, có cái nhìn toàn diện hơn về tình trạng bệnh nhân
Thu hút sự quan tâm của các chuyên gia trong nước và quốc tế tại hội nghị là các chuyên đề về giải pháp chăm sóc sức khỏe toàn diện lĩnh vực tim mạch và ung bướu, đặc biệt là giải pháp cho phát hiện, chẩn đoán, điều trị ung thư gan.
Theo các chuyên gia, các thiết bị chẩn đoán hỗ trợ AI như máy cộng hưởng từ 1.5T Signa Champion, máy siêu âm tổng quát LOGIQ Totus… có thể cung cấp chất lượng hình ảnh sắc nét hơn, nhanh chóng hơn, sử dụng liều xạ thấp hơn, giúp nâng cao hiệu quả trong lĩnh vực chẩn đoán hình ảnh.
Hiện, đây là các hệ thống máy thông minh nhất được trang bị các công nghệ và trí tuệ nhân tạo, giúp nâng cao hiệu quả chẩn đoán và điều trị cho các y bác sĩ trong lĩnh vực chẩn đoán hình ảnh. Các hệ thống máy này được ứng dụng trí tuệ nhân tạo AI để hỗ trợ bác sĩ, kỹ thuật viên và bệnh nhân tối đa.
Trong đó, máy cộng hưởng từ thiết kế thân thiện, thời gian người bệnh nằm trong máy được rút ngắn với chất lượng hình ảnh chân thực nhất, cho phép ghi lại hình ảnh chính xác với mọi tư thế tự nhiên nhất của bệnh nhân.
Còn máy siêu âm tổng quát cùng nhiều ứng dụng AI giúp nhận diện tổn thương, hỗ trợ tăng cao hiệu suất thăm khám với quy trình làm việc nhanh gọn, đơn giản mà vẫn đảm bảo độ chính xác cao. Đặc biệt, thiết bị này còn trang bị các ứng dụng AI nhận diện tổn thương; giọng nói tiên tiến nhất giúp hỗ trợ tăng cao hiệu suất thăm khám cho thầy thuốc.
Hiện nay, các công nghệ chẩn đoán hình ảnh hỗ trợ AI đang được phát triển như một công cụ tiên lượng, giúp các bác sĩ dự đoán những ca bệnh cần điều trị, ngay cả khi triệu chứng bệnh chưa biểu hiện ra. Can thiệp sớm hơn có thể giúp bệnh nhân sống lâu hơn, tận hưởng chất lượng cuộc sống tốt hơn, giảm chi phí chăm sóc cho gia đình và xã hội.
Theo: https://suckhoedoisong.vn/ung-dung-ai-trong-chan-doan-hinh-anh-sieu-am-giup-bac-si-giam-tai-nguoi-benh-giam-cho-doi-ket-qua-169240824103439864.htm