THOÁI HÓA KHỚP NGÓN TAY – NGUYÊN NHÂN VÀ CÁCH PHÒNG TRÁNH
Admin 18/11/2020 - 09:37:29
Mỗi nghề mỗi bệnh, thoái hóa khớp ngón tay là một trong những bệnh mà các thầy cô rất hay gặp phải. Một phần nguyên nhân là do trong quá trình giảng dạy thầy cô sử dụng đến ngón tay rất nhiều, nên quá trình phục hồi cũng khó khăn hơn.
Thoái hóa khớp ngón tay không chỉ gây ra những hạn chế trong các hoạt động thường ngày mà còn có thể gây biến dạng và làm mất khả năng vận động của khớp. Việc điều trị từ sớm không chỉ giúp thầy cô giảm thiểu các triệu chứng mà còn ngăn chặn được những biến chứng từ bệnh.
Tổng quan về thoái hóa khớp ngón tay
Thoái hóa khớp là tình trạng mô sụn ở khớp bị bào mòn hoặc nứt, vỡ. Mô sụn hoạt động như lớp đệm, giúp giảm ma sát giữa hai đầu xương khi vận động. Khi sụn bị tổn thương, xương sẽ cọ xát mạnh vào nhau và gây đau nhức.
Thoái hóa khớp có thể gặp ở bất cứ vị trí khớp nào trên cơ thể. Tuy nhiên, tình trạng này thường xuất hiện ở những khớp linh hoạt và được sử dụng nhiều như khớp gối, khớp háng, khớp vai và khớp ngón tay.
Mặc dù có phạm vi nhỏ nhưng khớp ngón tay lại là vị trí khớp linh hoạt và được cơ thể sử dụng nhiều nhất. Khi thoái hóa xuất hiện ở vị trí này, thầy cô không chỉ thấy mệt mỏi, đau nhức mà còn khó khăn khi thực hiện cầm nắm và duy trì những hoạt động sinh hoạt thường ngày.
1. Nguyên nhân
Nguyên nhân gây thoái hóa khớp ngón tay được chia thành 2 nhóm chính:
Thoái hóa khớp nguyên phát: do quá trình lão hóa tự nhiên gây ra. Khi tuổi tác cao, mô sụn thường kém đàn hồi và dễ bị bào mòn.
Thoái hóa khớp thứ cấp: do chấn thương khớp ngón tay (bong gân, trật khớp,…) không được điều trị dứt điểm, các bệnh lý tự miễn, di truyền,…
Ngoài ra, một số người bị thoái hóa khớp ngón tay nhưng không thể xác định nguyên nhân cụ thể.
2. Triệu chứng
Thoái hóa khớp ngón tay có diễn tiến chậm, do đó ở giai đoạn đầu bạn có thể không nhận thấy bất cứ triệu chứng nào.
Thoái hóa khớp ngón tay gây ra các triệu chứng như đau và cứng khớp
Khi tổn thương ở sụn phát triển, bạn có thể nhận thấy những triệu chứng sau:
Đau khớp: là triệu chứng điển hình của các bệnh lý xương khớp. Cơn đau thường xuất hiện khi bạn cử động khớp và có xu hướng gia tăng khi dùng ngón tay để cầm nắm vật nặng.
Cứng khớp: mô sụn mất tính đàn hồi khiến cho khớp bị cứng khi vận động. Tình trạng này khiến phạm vi hoạt động của khớp bị hạn chế, gây khó khăn khi thực hiện những hoạt động sinh hoạt thường ngày.
Dấu hiệu bên ngoài: bạn có thể nhận thấy khớp ngón tay bị thoái hóa có dấu hiệu sưng, đỏ và nóng hơn vùng da xung quanh.
3. Biến chứng
Thoái hóa khớp ngón tay nếu không được điều trị sớm có thể gây ra một số biến chứng nghiêm trọng.
Các biến chứng thường gặp:
Biến dạng khớp: đầu xương có xu hướng mọc gai để bù lấp vào những vị trí mô sụn bị bào mòn. Gai xương có kích thước lớn sẽ gây biến dạng khớp. Tình trạng không chỉ đau đớn mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến khả năng vận động.
Mất khả năng vận động: là biến chứng khi biến dạng khớp kéo dài. Lúc này khớp không thể vận động được, dù là những cử động nhỏ nhất.
Thoái hóa khớp có tiến triển chậm, do đó bạn có thể ngăn chặn những biến chứng này bằng cách tiến hành điều trị ngay khi phát hiện bệnh.
Các phòng tránh
- Để phòng bệnh hiệu quả thì những người có nguy cơ cao bị thoái hóa khớp ở bàn tay, cổ tay (ví dụ: phụ nữ làm việc chân tay nhiều, những người nội trợ...) cần tránh lao động nặng trong một thời gian dài không có giai đoạn nghỉ ngơi hợp lý xen kẽ. Khi làm việc liên tục với tay nên có thời gian cho bàn tay được nghỉ ngơi, không làm việc kéo dài trong nhiều giờ liền;
- Trong cuộc sống hằng ngày hoặc trong lao động, nếu có thiết máy móc hỗ trợ hoặc thay thế cho bàn tay thì nên tận dụng (ví dụ máy rửa bát đĩa, cối xay thịt...).
- Mỗi buổi sáng ngủ dậy nên tập nhẹ nhàng các khớp cổ tay, bàn tay và ngón tay để các khớp được dẻo dai linh hoạt.
- Nên ngâm bàn tay vào nước muối sinh lý ấm, mỗi ngày 2 lần (sáng khi ngủ dậy và tối trước khi đi ngủ), mỗi lần 10 phút.
- Tránh tăng cân quá mức, ăn uống hợp lý, thường xuyên vận động cơ thể;
- Khi mắc các bệnh về chuyển hoá hoặc bị chấn thương bàn tay, ngón tay cần phải điều trị dứt điểm theo chỉ định của bác sĩ.
Bàn tay là bộ phận phải hoạt động nhiều và chịu không ít áp lực vận động trong sinh hoạt và làm việc, do vậy dễ bị thoái hóa dần qua thời gian. Người bệnh nên đi khám sớm khi có dấu hiệu thoái hóa khớp tay để được can thiệp, điều trị kịp thời, sớm trở lại với sinh hoạt bình thường.