Hầu hết các ca bệnh mạn tính không thể xuất hiện trong một thời gian ngắn mà đều âm thầm phát triển qua nhiều năm, đôi khi là hàng thập kỷ, bắt đầu với những sự mất cân bằng nhỏ phát triển dần thành những bất thường nghiêm trọng.
Ai là người đầu tư cho sức khỏe của bản thân và gia đình hơn chính bạn? Sức khỏe hiện tại cũng như trong tương lai phần lớn dựa vào sự chăm sóc sức khỏe chủ động của mỗi người. Chúng ta được khuyên hãy luôn lắng nghe cơ thể để cảm nhận và phát hiện những thay đổi từ rất nhỏ về sức khỏe. Dù vậy, không phải lúc nào cũng là cách tối ưu mà cần có sự kết hợp giữa những triệu chứng chủ quan và dữ liệu khách quan – là những chỉ số xét nghiệm của cơ thể bạn. Khi nói đến sức khỏe, máu là một trong chìa khóa cho vô số thông tin và chúng không bao giờ nói dối bạn.

Đúng vậy, xét nghiệm máu định kỳ có thể cung cấp một bức tranh chính xác không chỉ về sức khỏe hiện tại mà còn cả tương lai. Ngay cả khi bạn ăn uống đúng cách, tập thể dục và loại bỏ các thói quen xấu, bạn vẫn có thể mắc các bệnh tiềm ẩn, thiếu hụt dinh dưỡng hoặc mất cân bằng nội tiết tố mà chỉ xét nghiệm máu mới có thể phát hiện được. Ngoài ra, cũng cần có một lưu ý rằng “kết quả nằm trong ngưỡng bình thường” không phải lúc nào cũng là khỏe mạnh và là mức lý tưởng. Đó là lý do chúng ta cần theo dõi định kỳ để kịp thời ngăn chặn mầm bệnh phát triển hoặc duy trì chúng ở mức tối ưu.
Một số chỉ số sức khỏe quan trọng bạn cần theo dõi thường xuyên:
1. Chiều cao, cân nặng, chỉ số BMI
- Bạn nên duy trì chỉ số BMI ở mức khỏe mạnh trong khoảng 18,5 – 23 với vòng eo ở nam < 90 cm và ở nữ < 80 cm
- Khi bị sụt cân hoặc tăng cân không chủ ý kèm cảm giác mệt mỏi thường xuyên bạn nên đến bác sĩ để tìm nguyên nhân ngay
- Nếu chiều cao của bạn bị giảm, đặc biệt ở nữ giới nên đi kiểm tra về loãng xương
Quý khách vui lòng nhập chiều cao & cân nặng để đo chỉ số BMI tại đây:
2. Huyết áp và nhịp tim
- Tốt nhất bạn nên theo dõi chỉ số huyết áp của mình tại nhà và đo ở cùng một thời điểm trong ngày. Chỉ số huyết áp tối ưu trong khoảng 120/80 mmHg
- Bạn cũng cần biết chỉ số nhịp tim của mình để thông báo cho nhân viên y tế vì một số thuốc huyết áp gây giảm nhịp tim
3. Chỉ số đường huyết glucose hoặc/ và HbA1c
- Xét nghiệm này được sử dụng để kiểm tra bệnh tiểu đường
- Chỉ số HbA1c phản ánh lượng đường trong máu trung bình trong hai hoặc ba tháng tháng trước đó, vì vậy cũng được sử dụng để theo dõi bệnh tiểu đường ở tình trạng tốt hay không
- Giá trị mục tiêu của chỉ số đường huyết trong khoảng 70 – 84 mg/dL
4. Chỉ số lipid máu - cholesterol và triglyceric
- Bệnh lý tim mạch, bao gồm cục máu đông, tắc nghẽn động mạch, đau tim, đột quỵ … là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong trong số các bệnh mạn tính trên thế giới và ở Việt Nam. Bảng chỉ số lipid hay còn gọi là hồ sơ lipid là một “chỉ dấu sinh học” của bệnh tim mạch, vì vậy, việc xét nghiệm chỉ số này rất cần thiết trong điều trị và quan trọng là ngăn ngừa bệnh tim mạch
- Giá trị mục tiêu của chỉ số:
o Triglyceric: 50 – 100 mg/dL
o Cholesterol toàn phần: 150 – 200 mg/dL
o LDL cholesterol: ≤ 80 mg/dL
o HDL cholesterol: > 60 mg/dL
5. Chỉ số Creatinin/ eGFR
- Chỉ số này không những phản ảnh về chức năng của thận mà còn liên quan đến các bệnh lý khác như tiểu đường, cao huyết áp v.v…
- Giá trị mục tiêu của chỉ số Creatinin: 0,6 – 1,2 mg/dL ở Nam và 0,5 – 1,2 mg/dL ở Nữ
- Chỉ số eGFR (độ lọc cầu thận) bình thường nằm trong khoảng 90 – 120 mL/ min và khi càng lớn tuổi chỉ số này sẽ giảm từ từ thể hiện mức độ lọc của thận giảm do tuổi tác
- Giá trị tham chiếu cho độ lọc cầu thận (eGFR):
eGFR (mL/ min)
|
Sự nghiêm trọng của tổn thương thận
|
90 đến 120, không có bằng chứng về tổn thương thận
|
Bình thường
|
Lớn hơn 90 với bằng chứng về tổn thương thận
|
Giai đoạn một (Bắt đầu tổn thương thận)
|
60 đến 89
|
Giai đoạn 2 (tổn thương thận nhẹ)
|
30 đến 59
|
Giai đoạn 3 (Tổn thương thận trung bình)
|
15 đến 29
|
Giai đoạn 4 (Tổn thương thận nghiêm trọng)
|
Nhỏ hơn 15
|
Giai đoạn 5 (Suy thận)
|
6. Chỉ số về loãng xương
Dùng để chẩn đoán và theo dõi bệnh loãng xương, gặp nhiều ở phụ nữ mãn kinh. Nếu bị loãng xương, xương rất dễ bị gãy, vỡ khi té. Vì vậy, phụ nữ ở độ tuổi 50 và nam giới ở độ tuổi 60 nên theo dõi chỉ số này
7. Chỉ số Vitamin D
- Vai trò của vitamin D không chỉ trong sức khỏe của xương mà còn có vai trò quan trọng cho hoạt động của hệ miễn dịch, đặc biệt là tăng cường sức đề kháng với virus
- Chỉ số vitamin D bình thường trong khoảng 30 – 50 ng/mL. Nếu chỉ số vitamin D của bạn dưới 12 – 15 ng/mL, bạn nên gặp bác sĩ để bổ sung lượng vitamin D cần thiết, đảm bảo sức khỏe của xương và hệ miễn dịch, đặc biệt trong mùa dịch Covid.