BỆNH VIÊM HỌNG, CHỚ COI THƯỜNG
Admin 30/11/2020 - 08:24:41
Trời chuyển mùa, không khí se lạnh ở phương Nam và những đợt gió mùa miền Bắc là nguyên nhân cho các bệnh đường hô hấp có dịp bùng phát. Đừng chủ quan, hiểu về bệnh giúp bạn phòng ngừa và điều trị hiệu quả, tránh những biến chứng không cần thiết ảnh hưởng đến sinh hoạt và chi phí tốn kém cho bạn.
Viêm họng là tình trạng viêm nhiễm niêm mạc họng và hầu. Các dấu hiệu thường gặp là đau rát, cảm giác khô trong họng, nặng hơn là khó nuốt, khan tiếng hay mất tiếng. Có thể có sốt nhẹ hay sốt rất cao tùy theo tình trạng nhiễm trùng và cơ địa của mỗi người, tình trạng viêm nặng kèm theo xuất tiết dịch đục, đờm làm bạn có cảm giác muốn khạc liên tục, và thậm chí có cảm giác buồn nôn do tình trạng viêm làm thành họng rất mẫn cảm. Có thể viêm họng đi kèm viêm amidan cấp gây sốt cao, rất đau và khó nuốt, có sưng hạch vùng cổ do phản ứng viêm. Nếu viêm họng tái diễn nhiều lần có thể gây viêm họng mãn tính, viêm amidan mãn tính
Có nhiều nguyên nhân gây ra viêm họng, có đến 80% viêm họng gây ra do vi rút như virus cúm A và virus cúm B, coronavirus và parainfluenza virus. Một số vi khuẩn hay gây viêm họng như phế cầu, tụ cầu và nguy hiểm nhất là liên cầu khuẩn β tan huyết trong nhóm A gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm. Ngoài ra, các yếu tố khác như hít phải các chất kích thích hoặc chất gây dị ứng như: khói bụi, thuốc lá, rượu bia, thuốc xịt chứa hóa chất, hay ăn đồ ăn cay nóng, trào ngược thực quản dạ dày, vv.. sẽ làm cháy lớp lót ở niêm mạc họng cũng có thể dẫn đến viêm họng.
Viêm họng có thể chữa trị tại nhà nếu như có triệu chứng nhẹ và mới phát hiện. Bạn có thể áp dụng một vài điều đơn giản sau đây nhưng rất hiệu quả :
- Quàng khăn giữ ấm vùng cổ vào buối tối khi ngủ, tránh bị kích ứng do lạnh. Không sử dụng máy lạnh trong những ngày bị viêm họng vì không khí khô trong phòng do máy lạnh rất dễ làm họng bị kích ứng. Tránh hay hạn chế tiếp xúc với không khí ô nhiễm (như mang khẩu trang khi đi ra ngoài)
- Tránh ăn thức ăn quá nóng hay lạnh, tập thói quen khò họng bằng nước muối ấm buổi sáng và buổi tối trước khi đi ngủ
- Uống trà gừng và mật ong, có thể cho thêm một ít nước cốt chanh hay nước tắc, pha tất cả trong một ly nước ấm và uống vào buổi sáng sẽ giúp cổ họng bạn bớt khô, giảm kích ứng và gừng còn có tác dụng sạch đờm.
- Ăn các thức ăn lỏng, dễ nuốt trong thời gian điều trị.
Nếu các triệu chứng không giảm kéo dài trên 1 tuần hoặc nặng lên như sốt cao, đau họng, ù tai, khó nuốt, khan, tắc tiếng, khó thở , khó nuốt, khạc đàm vàng, xanh đặc , có mùi hôi, hay khạc đàm lẫn máu, bạn nên đi khám bác sĩ để được chữa trị phù hợp.
Tùy theo khám và làm xét nghiệm cần thiết, bác sĩ sẽ cho bạn uống kháng sinh và điều trị giảm đau, giảm sốt. Đợt viêm amidan cấp ngoài các thuốc trên, bác sĩ có thề cho thêm kháng viêm ngắn ngày ( 3-5 ngày) nếu cần thiết như prednisolone hay Medrol ( uống lúc no).
Nếu các đợt viêm họng hay viêm amidan tái diễn nhiều lần, bạn nên đi khám chuyên khoa Tai Mũi Họng để điều trị triệt để, tránh các biến chứng.